Nếu bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh viện tuyến chuyên sâu sẽ “vỡ trận”

25/10/2024 01:44 PM


BHYT thực sự đã cứu giúp, hỗ trợ cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn và giá trị to lớn của BHYT mang lại cho toàn xã hội. Tuy nhiên, nếu bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh viện tuyến chuyên sâu sẽ “vỡ trận”, còn y tế cơ sở sẽ bị triệt tiêu…

Theo ĐB Nguyễn Tri Thức (TP.HCM), Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT chủ yếu điều chỉnh một số nội dung liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới nhất; việc sửa đổi sao cho phù hợp với những quy định mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh là chính. Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới đã thay đổi phân cấp hệ thống cơ sở khám chữa bệnh từ “phân tuyến” (4 tuyến), thành “phân cấp” (3 cấp). Tuy nhiên, những nội dung thay đổi trong dự thảo Luật này vẫn giữ “bệnh viện huyện”, “bệnh viện tỉnh”; dùng từ “thông tuyến” là chưa phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới. Vì thế, Ban Soạn thảo cần cân nhắc.

ĐB Nguyễn Tri Thức (TP.HCM)

Liên quan đến đề xuất bỏ quy định giấy chuyển tuyến trong KCB BHYT, ĐB Nguyễn Tri Thức cho biết, nhận định xu hướng xóa bỏ địa giới hành chính trong KCB BHYT là “chủ trương rất tốt, rất đúng”, nhưng không nên bỏ hoàn toàn giấy chuyển tuyến trong BHYT, mà chỉ bỏ trong trường hợp KCB cấp ban đầu, cấp cơ bản. Còn từ cấp ban đầu lên cấp chuyên sâu nên có giấy chuyển tuyến. “Nhiều người cứ nghĩ giấy chuyển tuyến phiền phức nhưng nó rất cần thiết trong ngành y. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến thì bệnh nhân sẽ không khám ở trạm y tế và bệnh viện huyện nữa mà lên thẳng lên bệnh viện tuyến chuyên sâu như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức… Như vậy, chỉ 1-2 năm sẽ triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở. Điều đó đồng nghĩa, sẽ đi ngược lại chủ trương phát triển, củng cố hệ thống y tế cơ sở. Trong khi, mùa dịch Covid-19 vừa rồi, chúng ta nói rất nhiều về vai trò của hệ thống y tế cơ sở. Bỏ giấy chuyển tuyến này đi thì rất nguy hại”- ĐB Thức nhấn mạnh.

Cũng theo phân tích của ĐB Nguyễn Tri Thức, một ca mổ đặc biệt có thể kéo dài 6-8 giờ đồng hồ. Một bác sĩ giỏi ở bệnh viện Trung ương một ngày chỉ mổ 1 ca như vậy. Các bệnh viện khống chế không cho mổ ca thứ 2 vì bệnh nhân bị mổ ca thứ 2 sẽ có nguy cơ tai biến cao. Thêm nữa, 1 bác sĩ mỗi ngày khám khoảng 20 bệnh nhân, giờ khoảng 200 bệnh nhân ngồi chờ thì không bác sĩ nào khám nổi. “Lúc đó sẽ vỡ trận. Hai hậu quả trước mắt là triệt tiêu y tế cơ sở và vỡ trận ở y tế chuyên sâu. Đó là điều chắc chắn ai cũng thấy hết”- ĐB Thức khẳng định.

Vì vậy, ĐB Thức đề nghị sửa đổi khoản 3 điều 27 và khoản 3, điều 28 Dự thảo Luật. Theo đó, khi người bệnh chuyển từ cơ sở KCB này đến cơ sở KCB khác để KCB thì luôn luôn cần phải có giấy chuyển tuyến. Giấy chuyển tuyến KCB là tóm tắt thông tin KCB của bệnh nhân: Bị bệnh gì, dùng thuốc gì. Do đó giấy này rất quan trọng với bác sĩ ở tuyến chuyên sâu. Đây là yêu cầu gần như bắt buộc về chuyên môn, có lợi cho bệnh nhân. Người bệnh không có nghiệp vụ cũng như kiến thức sâu về y khoa nên không thể chuyển tải thông tin đầy đủ đến cho những bác sĩ khám sau đó. Việc này cũng nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về y tế, về BHYT. “Chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến ở cấp ban đầu, cấp cơ bản, còn lên cấp chuyên sâu thì “bắt buộc phải có giấy chuyển tuyến””- ĐB Thức nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định)

Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định), một trong những mục đích quan trọng của Luật BHYT là chia sẻ rủi ro, bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu KCB của người dân. Sau 15 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật BHYT đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh. Từ mục đích giảm thiểu việc người dân phải chi tiền túi trong KCB, có ý kiến đề xuất là người dân có thể cầm thẻ BHYT đi KCB ở bất cứ cơ sở y tế nào, hay nói cách khác là thông tuyến KCB đến bệnh viện tuyến Trung ương. Ý kiến này rất nhân văn, nhưng trong tình hình hiện nay việc thông tuyến BHYT toàn bộ sẽ gặp rất nhiều hệ lụy.

Thứ nhất người dân sẽ dồn lên tuyến tỉnh, tuyến trung ương và các bệnh viện chuyên khoa khiến tình trạng quá tải hiện nay thêm trầm trọng. Với người bệnh, việc di chuyển, ăn chực nằm chờ, phí dịch vụ... chắc chắn là những chi phí không tránh khỏi. Rồi bệnh viện công quá tải, bệnh nhân sẽ tràn qua bệnh viện tư và lúc này người dân sẽ phải bỏ tiền túi nhiều hơn để chữa những bệnh thông thường, lẽ ra có thể giải quyết ổn thỏa tại tuyến huyện.

Thứ hai, hệ thống y tế cơ sở mà chúng ta dày công xây dựng có nguy cơ bị gãy đổ. “Cơ chế thị trường, muốn giữ lại bệnh nhân thì các trạm y tế xã phường, bệnh viện tuyến quận, huyện phải nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển khoa học kỹ thuật. Nhưng xin thưa y tế là dịch vụ đặc biệt nên không thể so với các ngành kinh tế thị trường khác được. Nếu bạn có người thân bị bệnh, dù là bệnh đơn giản thì chắc chắn bạn vẫn muốn đưa đến chỗ nào được cho là tốt nhất để chữa. Vậy nên, nếu thông tuyến toàn bộ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống y tế cơ sở đặc biệt, khiến các cơ sở này không thể phát triển kỹ thuật chuyên sâu và việc “giữ người” giỏi là chuyện không tưởng”- ĐB Hiếu phân tích.

Thứ ba, việc lạm dụng BHYT sẽ “nâng lên một tầm cao mới”. Nếu thẻ BHYT thông tuyến không khác thẻ tín dụng, đến đâu cũng quẹt được thì quỹ BHYT sẽ phình ra ở mức nào. Việc thanh kiểm tra sẽ vô cùng phức tạp, tình trạng xin cho, trục lợi... chắc chắn vô cùng phức tạp. Chính vì vậy, chúng ta cần có lộ trình để hiện thực hóa ý tưởng rất nhân văn này. Trước mắt sẽ cho phép hưởng BHYT nội trú ở tất cả các bệnh viện trong toàn quốc nếu nằm trong danh mục Bộ Y tế cho phép. Danh sách này sẽ được rà soát theo tình hình thực tế của sự phát triển y tế cơ sở. Còn KCB ngoại trú vẫn nên khuyến khích người dân đến các cơ sở y tế địa phương, đặc biệt các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm nhưng cần nâng cao mức chi trả tương đương với các bệnh viện tuyến trên để bảo đảm quyền lợi công bằng của người dân khi tham gia BHYT.

“Chúng ta chỉ có thể thông tuyến toàn bộ như các nước phát triển khi hệ thống bác sĩ gia đình vận hành hoàn chỉnh. Bệnh nhân muốn đến khám chuyên khoa luôn cần thư giới thiệu của bác sĩ gia đình, chỉ trừ các trường hợp cấp cứu. Lúc này không phải giấy chuyển BHYT mà là hệ thống y tế gia đình sẽ là dây bảo hiểm cho sự ổn định của hệ thống”- ĐB Hiếu khẳng định.

Theo Tạp Chí BHXH